Inception Review (spoiler)

Như mình đã khẳng định nhiều lần về việc thế nào là một bộ phim hay đối với mình: Đó là bộ phim hấp dẫn về khía cạnh giải trí nhưng vẫn chinh phục được người xem về mặt nghệ thuật, kỹ thuật điện ảnh. Không có nhiều phim đạt được điều đó mà từng nhận giải Oscar, cũng như có rất nhiều phim đạt được điều đó nhưng không bao giờ có cơ hội chạm vào cái tượng vàng danh giá.

Inception chính là một phim như vậy. Và việc khẳng định nó có thể đạt giải Oscar hay không, hãy để cho các chuyên gia về điện ảnh đánh giá, còn với người xem thông thường như chúng ta, chỉ cần xem xong về đến nhà vẫn nhớ đến nó, thì đó đã là một phim hay rồi.

Để miêu tả ngắn gọn về Inception thì có lẽ mình sẽ nói thế này: Một kiệt tác giao thoa hoàn hảo giữa 2 mặt tưởng chừng đối lập – sự sáng tạo bay bổng vô bờ bến, và trí tuệ thông minh logic.

(SPOILER ALERT: Bài viết chỉ dành cho những ai ĐÃ xem phim, ai chưa xem phim mà không muốn bị lộ nội dung phim trước khi xem thì đừng đọc tiếp entry này. Hãy xem xong phim và quay lại đây lần nữa)

Điều ấn tượng nhất về Inception với tất cả các khán giả xem nó, có lẽ chính là nội dung, kịch bản và cách xử lý 2 thứ đó trên màn ảnh (nghe nói hầu như tất cả các buổi chiếu trong 2 ngày đầu tiên của phim này đều kết thúc bằng những tràng vỗ tay – điều cực hiếm xảy ra ở Megastar Hà Nội). Câu chuyện chính của phim không bắt buộc phải quá phức tạp.

Dom Cobb là một extractor (người trích xuất) siêu hạng chuyên ăn cắp những ý tưởng trong đầu người khác bằng kỹ năng đột nhập vào tâm thức thông qua những giấc mơ. Trong một phi vụ mà Cobb thực hiện cùng một Point man (người dẫn đường) – Arthur và một Architect (kiến trúc sư), những ám ảnh về người vợ đã chết trong quá khứ của anh đã tạo ra sơ hở khiến cho phi vụ thất bại. Và đối tượng của phi vụ – Saito – một tài phiệt quyền lực, đã bắt giữ Architect của anh, cùng với việc cho anh một giao kèo – cấy một ý tưởng vào đầu của con trai một nhà tài phiệt đối lập của ông ta. Đổi lại, Dom sẽ được xóa hết tội giết vợ mà chính quyền Mỹ đã gán cho anh suốt bao năm, và anh có thể dừng trốn chạy và trở về nhà với các con của mình. Và từ đây câu chuyện bắt đầu.

Tuy nhiên, cái sự rối rắm phức tạp của bộ phim chỉ bắt đầu khi nhiệm vụ cuối cùng của Dom được khởi động. Từ đây, liên tục các khái niệm, luật lệ, quy tắc khi thực hiện một nhiệm vụ thâm nhập vào tâm thức của một người được đưa ra, phân tích, giải thích cho người xem thông qua việc Cobb đi tuyển mộ các thành viên mới vào nhóm của mình. Và chỉ cần lỡ mất tập trung một chút và bỏ qua đoạn thoại nào đó thôi, bạn sẽ dễ dàng rơi vào lúng túng, lẫn lộn và hoang mang trong các tình huống về sau của câu chuyện.

Inception đưa cho người xem khái niệm rằng việc ngay trong giấc mơ, bạn vẫn có thể nằm mơ tiếp một giấc mơ khác là hoàn toàn có thể thực hiện được. Trong thực tế có lẽ không ít trong số chúng ta đã từng trải qua cái cảm giác đã thức dậy 1 lần rồi, mà hóa ra việc thức dậy đó vẫn chỉ là một giấc mơ, và ta lại phải thức dậy thêm một lần nữa. Ở đây, các nhân vật trong phim không chỉ có thể biến điều đó thành hiện thực, mà còn có thể giao thoa giấc mơ của nhiều người khác nhau vào làm 1 thế giới thống nhất và cùng hành động với nhau. Thế nên, những tầng giấc mơ mà khán giả chứng kiến trong phim không chỉ đơn giản chỉ là hình ảnh giấc mơ của một người duy nhất, đó là tổng hòa nhiều giấc mơ của nhiều người, chỉ một trong số đó là người mơ chính. Và sự phức tạp ở đây chính là khi mà người ta có thể làm những điều nói trên ngay trong giấc mơ của giấc mơ, chỉ khác nhau ở người mơ chính – luôn phải ở lại trong giấc mơ của mình để thực hiện cú thúc đánh thức những người khác dậy.

Nếu ai xem xong mà vẫn chưa hiểu có thể tham khảo bảng dưới đây để biết dòng thời gian của các sự kiện đã xảy ra trong phim để có cái nhìn tổng quát nhất. (Bảng này vẽ khá chính xác, chỉ sai ở tầng của Cobb, tầng này ko tồn tại)

Có một số điều cơ bản cần nhớ, đó là trong một giấc mơ luôn cần có Architect, chính người đó sẽ là người kiến tạo nên thế giới trong giấc mơ đó với đầy đủ các chi tiết cần thiết để nó hiện thực hết mức có thể. Ở đây Ariadne chính là người có nhiệm vụ đó và chính vì thế cô luôn phải theo sát hành trình qua các tầng của các giấc mơ để đảm bảo giấc mơ của những người mơ chính luôn rõ ràng như đã thiết kế trong kế hoạch. Tuy vậy, các nhân vật quần chúng trong các giấc mơ lại không được tạo ra bởi Architect, mà được tạo ra bởi các người mơ khác cùng tham gia vào giấc mơ. Họ không phải người thật mà chỉ là những hình ảnh trong ký ức và tiềm thức của những người mơ chiếu ra tạo thành nhân vật quần chúng trong thế giới mơ.


Không chỉ đơn thuần là một kịch bản thông minh xuất chúng, Inception còn thể hiện trình độ đạo diễn xử lý các kịch bản và cảnh quay của phim ở mức độ bậc thầy. Song song với câu chuyện mơ ở trong mơ loằng ngoằng đầy biến động, chạy trốn, đuổi bắt,… thì vẫn có những khoảng lặng vừa phải bám sát, xuyên suốt và gây ra những ảnh hưởng mang tầm quan trọng nhất định tới kịch bản về người vợ của Cobb. Nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng đoàn tàu hỏa xuất hiện trên đường phố ở tầng mơ thứ nhất là do hệ thống phòng ngự tâm thức của Fischer tạo ra, nhưng trên thực tế, con tàu đó chính là một phần tâm thức của Cobb. Con tàu đó chính là con tàu mà Mal và Cobb đã chờ đợi để quay trở lại cuộc sống thực sau 50 năm chìm trong cơn mê muội của miền viễn thức limbo của 2 người, và trong một giây lơ là, Cobb đã để “xổng nó” vào làm lệch hướng nhiệm vụ chung. Cũng như vậy, kế hoạch của nhóm Cobb khi thực hiện nhiệm vụ gieo cấy Inception vào tâm thức của Fischer lẽ ra gần như là hoàn hảo nếu không có sự can thiệp của “cái bóng” của Mal mỗi lần Cobb bị lung lạc tinh thần. Có thể nói, chính các hồi tưởng, các ký ức về Mal và 2 đứa con quá mãnh liệt trong tâm thức của Cobb đã khiến cho câu chuyện chính của phim – nhiệm vụ cấy Inception vào đầu Fischer, trở nên nhiều màu sắc hơn, hồi hộp, nhiều bất ngờ nút thắt hơn, và tất nhiên, rối rắm và dễ khiến chúng ta nhầm lẫn hơn.


Nói về những cảnh hành động, Inception đã tạo nên những kiệt tác về hình ảnh trong điện ảnh mà chắc chắn sẽ còn được ghi nhớ và khắc dấu vào lịch sử điện ảnh nhiều năm về sau. Đó là những trường đoạn con phố bị lật úp, 2 tấm gương được đóng lại và tạo ra cây cầu dài vô tận, thế giới trong mơ mà Cobb và Mal từng tạo ra, những pha chiến đấu không trọng lực của Arthur, những trường đoạn tỉnh dậy liên tục qua các tầng mơ… Bất cứ khung hình nào, trường đoạn nào cũng đều quá thú vị, quá hay, quá đẹp (chọn ảnh để chèn vào review này khổ vãi chưởng). Lợi dụng sự mơ hồ về khái niệm thật giả trong mơ, kế hoạch của nhóm Cobb còn khiến khán giả cảm thấy quá thú vị và độc đáo khi đánh lừa cảm giác của Fischer rằng tầng mơ thứ nhất bị bắt cóc là sự thật, còn tầng mơ thứ 2 mới là mơ. Tất cả đều khiến chúng ta có một cảm giác choáng ngợp về một thế giới thực mà không thực, mơ mà không mơ, vừa sáng tạo, độc đáo kinh khủng lại vừa logic, hợp lý và hết sức thông minh, đầy tính trí tuệ. Ở những tầng mơ, các góc máy quay, các trường đoạn đều được lựa chọn hết sức kỹ lưỡng để vừa có thể cho khán giả những cái nhìn cơ bản nhất về cấu trúc của thế giới đó lại vẫn có thể theo dõi được cốt truyện đang diễn tiến càng ngày càng nhanh. Cũng chính vì gần như không sử dụng kỹ xảo vi tính mà các cảnh quay trong phim đạt đến độ chân thực tuyệt đối, buộc khán giả phải tin rằng thế giới đó là có thật, trong khi trên thực tế thì không. Và rồi cho đến giữa hành trình, sẽ có lúc bạn tự hỏi, ơ, thế là mình đang ở tầng mấy? Đoạn nào mới là sự thật, và có khi bạn sẽ nhầm lẫn sự việc chiếc xe rơi xuống nước với thế giới thực tế, và bạn sẽ tiếp tục bị bối rối trong việc nắm bắt được tình huống. Đặc biệt, có lẽ đây chính là lần đầu tiên một bộ phim điện ảnh sử dụng hình ảnh của cầu thang ảo giác vô tận – được coi như một tuyệt chiêu của Arthur trong phim.


Chính câu chuyện tâm tư của Cobb về vợ cùng với diễn xuất xuất sắc của tất cả dàn diễn viên đã giúp cho bộ phim không rơi vào tình trạng cứng nhắc vô cảm. Có thể nói dàn diễn viên trong mơ cùng những tên tuổi từng nhiều lần được đề cử Oscar như Leonardo, Micheal Caine, Marion Cotillard, Joseph Gordon Levitt và Ellen Page đã đóng vai trò xứng tầm với tầm cỡ của kịch bản phim. Những trường đoạn xoáy sâu vào cảm xúc cũng như những quan hệ giữa các nhân vật được khắc họa rất tinh tế và đúng mực. Điển hình là tính cách của Eams và quan hệ của anh ta với Arthur, cách Ariadne lo lắng cho tâm tư của Cobb, những ảnh chiếu về Mal và con của Cobb, sự tham gia của Saito và Yusuf, sự nghi ngờ, lo lắng và hợp tác của Fischer. Tất cả đều không rời rạc, mà diễn xuất của họ đã giúp những điều này hòa quyện vào nhau và cùng cuộn chảy theo mạch chính của câu chuyện một cách hợp lý và vững chắc.


Một điều tuyệt vời khác của Inception, một lần nữa, lại là Hans Zimmer. Hans Zimmer đã soạn nhạc cho rất nhiều phim và nếu không nhầm theo trí nhớ của mình thì chưa có phim nào Hans Zimmer soạn nhạc lại là phim dở cả, nếu không phải là bom tấn hấp dẫn thì chắc chắn là phim có mức độ nghệ thuật cao. Có thể kể đến như Sherlock Holmes, Star Trek, Despicable Me, The Dark Knight. Với mỗi bộ phim, Hans luôn thổi vào phong cách nhạc không những tạo nên cái hồn cho bộ phim, mà còn hết sức độc đáo và cá tính, không phim nào giống phim nào nhưng đều hết sức thú vị. Với một bộ phim có phong cách na ná The Dark Knight, những bản nhạc của Inception dường như cũng mang âm hưởng gì đó rất… The Dark Knight với rất nhiều những âm thanh ầm ầm vang vọng và giai điệu vừa hùng tráng cho các cảnh hành động, lại vừa sâu lắng cho các trường đoạn nội tâm. Có thể nói âm nhạc đóng vai trò rất lớn trong việc biến những giấc mơ ảo giác của Inception trở nên hấp dẫn hơn, hồi hộp hơn và đẹp hơn cho bất cứ ai thưởng thức.


Thật vậy, Inception không phải là bộ phim dành cho những khán giả muốn nghỉ ngơi đầu óc ra rạp xem phim giải trí, mà là một bộ phim đòi hỏi người xem cũng phải thông minh… gần bằng đạo diễn và tác giả kịch bản thì mới có thể bám sát theo nó được. Từng tình tiết, từng hành động, từng câu thoại, từng trường đoạn và cắt cảnh của phim, không có gì dư thừa, tất cả đều phục vụ cho nội dung phim và nếu như chỉ cần bạn nghỉ ngơi đầu óc trong một giây thôi, bạn sẽ lập tức bị lạc lối ngay trong cái mê cung do đạo diễn giăng ra. Tất cả mọi thứ trong phim từ thế giới thực cho tới thế giới mơ, đều bắt bạn phải hoạt động não bộ liên tục, liên tục đặt câu hỏi, liên tục đưa ra giả thiết, liên tục tự giải đáp cho mình thắc mắc, và liên tục tư duy về các luật lệ của công việc mà nhân vật làm trong phim. Bạn sẽ không có đủ thời gian để dừng lại cho bất cứ thứ gì nếu không muốn bị rơi vào trạng thái mơ hồ nghi hoặc của những lỗ hổng hiểu biết để lại khi bỏ qua bất cứ đoạn nào của phim. Khi đã hiểu quy tắc chung, nội dung chính của phim không thực sự quá khó hiểu, bạn sẽ được đắm chìm, nhâm nhi và thưởng thức dần dần, từ từ, lúc nhanh lúc chậm dãi những tuyệt tác sáng tạo mà bộ phim đưa ra. Từ hình ảnh, kịch bản, hành động, thoại, sự phá quy luật trong các cảnh hành động và sử dụng góc máy quay, sự bùng nổ trong ý tưởng, tất cả sẽ lôi bạn vào sự khoái lạc, sự thích thú và lâng lâng của việc thưởng thức một món ăn tinh thần cao cấp.

Cũng như The Matrix phần 1 đã từng làm, Inception sẽ còn đọng lại trong tâm trí người hâm mộ điện ảnh rất lâu về sau này như một biểu tượng của sự bùng nổ sáng tạo cũng như sự phức tạp thông minh tột cùng trong sáng tác kịch bản điện ảnh nhưng vẫn cho người xem cái khoái cảm của giải trí và đã đời khi thưởng thức.

Rất muốn viết dài hơn, bàn thêm về kịch bản phim, nhưng bài viết đã quá dài rồi. Bạn nào muốn tranh luận nghiêm túc sâu hơn về phim hoặc có bất cứ thắc mắc gì thì cứ comment ở đây, chúng ta sẽ cùng trao đổi và giải đáp cho nhau.

Hoặc cũng có thể tham khảo các ý kiến trao đổi ở 2 diễn đàn này.

http://www.hdvietnam.com/diendan/showthread.php?t=78205
http://dienanh.net/forums/inception-2010-ke-cap-giac-mo-t124815.html

Chấm điểm: 9/10 – 4,5/5

18 thoughts on “Inception Review (spoiler)

  1. Không phải Cobb không có totem. Totem của Cobb chính là con quay, trong phim không hề nói đó là totem của Mal, mà chỉ nói đó là một vật từng thuộc về Mal, mà sau này Cobb đã sử dụng nó như totem của mình mà thôi. Hoặc cũng có thể hiểu rằng thực ra con quay không hề tồn tại, mà chỉ là biểu tượng của điều mà Mal chôn sâu trong tiềm thức, thứ mà Cobb đã mở két ra và đặt inception vào một cách thô bạo. Sau này, sau khi Mal chết, vì không thể quên được Mal nên Cobb đã tự làm ra con quay đó còn để nó giống như kỉ niệm, và cũng là thứ sẽ nhắc nhở anh về sự thật và mơ.

    Câu trả lời của bạn kryss111 là chính xác nhất về vấn đề cái két và password.

    Nhưng ý kiến của mình về số tầng mơ thì hơi khác. Trên thực tế trong phim chỉ xuất hiện 3 tầng mơ. Yusuf mơ từ thực tế, Arthur mơ trong khách sạn và Eams mơ trong bão tuyết. Còn khi Fischer bị bắn chết trong tầng thứ 3, anh ta đã rơi thẳng xuống limbo (viễn thức) theo đúng như lý thuyết mà Cobb đã nói ở các tầng trước. Điều tương tự xảy ra với Saito, ông ta sau khi chết đã rơi thẳng xuống viễn thức.

    Ở đây ta lại phải nhớ lại về điều Cobb đã dạy Ariadne ở đầu phim rằng thực tế những cơn mơ mà họ trải qua đều được tạo nên bởi giấc mơ của nhiều người khác nhau, hòa vào nhau. Trong đó quan trọng nhất là Architect – người tưởng tượng ra hình ảnh chi tiết của toàn bộ thế giới ấy trong mơ. Đó là lý do tại sao họ bắt buộc phải tuyển Architect mới cho chuyến đi, vì Cobb không chịu làm điều đó.

    Thế cho nên ở cuối phim, khi Cobb và Ariadne đến tầng tiếp theo có hình ảnh thế giới mơ mà Mal và anh đã từng tạo ra, thực chất chính là limbo. Nếu nhớ lại câu chuyện về 2 người mà Cobb kể cho Ariadne ở đầu phim, thì cái thế giới trong mơ do họ tạo ra trong 50 năm chính là limbo của họ. Đó chính là lý do họ đã ở đó suốt 50 năm, chìm đắm quên mất rằng mình đang mơ và Cobb đã phải gieo Inception vào tiềm thức của Mal để cô tin anh về việc tự tử bằng cách chờ đoàn tàu chạy tới, và trở về thế giới thực. Đó cũng là lý do tại sao khi Mal đã về thế giới thực mà vẫn cứ nghĩ là mình vẫn đang ở trong mơ.

    Như vậy là Cobb và Ariadne thật ra đã đến limbo để cứu Fischer ra khỏi đó – điều này hợp lý với tất cả các lý thuyết từ đầu phim đã giải thích. Còn tại sao nó lại có hình ảnh của thế giới mà 2 vợ chồng Cobb tạo ra thì hãy đọc lại nguyên tắc về việc pha trộn các giấc mơ của những người khác nhau. Giải thích tương tự như vậy với trường hợp của Saito, chỉ có điều, Saito không phải chết ở tầng của Eams, mà là chết ở tầng của Yusuf, thế nên thờ gian mà Saito phải trải qua ở limbo dài hơn rất nhiều so với Fischer.

    (giải đáp thắc mắc của một số bạn trên dienanh.net)

  2. Về chuyện tôtem của Cobb thì có giả thuyết khá hay như sau: đó chính là khuôn mặt của 2 người con. Trong cả phim, hình ảnh 2 đứa bé xuất hiện rất nhiều nhưng đều không hiện lên khuôn mặt. Ở cảnh quay limbo, Mal đã bảo 2 đứa con quay mặt ra cho Cobb nhìn, và Cobb đã quay đi không dám nhìn mặt chúng, bởi anh lo anh bị nhầm lẫn giữa limbo (miền viễn thức) và cuộc sống thực. Chỉ ở cuối phim, khi chúng quay mặt lại phía Cobb và chúng ta mới lần đầu tiên thấy khuôn mặt chúng. Trước đó, Cobb vẫn chưa tin đấy là thực và phải quay con quay (totem của Mal), nhưng khi nhìn thấy mặt 2 đứa bé, anh đã chắc đó là thực tại của mình.

    Trong phim có nói totem của Mal là con quay mà. Nhưng đến giờ vẫn chưa rõ vì sao Cobb chạm vào mà không sao, bởi totem chỉ dành cho 1 người duy nhất mà. Việc này khiến cái kết phim cũng khó hiểu thêm: đó là hiện thực của Cobb, giấc mơ của Cobb hay giấc mơ của Mal?

  3. Một vài thắc mắc rất hay của một bạn trên dienanh.net

    1. Có thật sự là chết ở Limbo/ kick đồng thời ở level 1-2-3 thì sẽ quay trở lại thực tại không? Tại sao cuối phim sau khi hội tủ đủ các điều đấy mà tất cả mọi người lại thức tỉnh sau khi rơi xuống sông của level 1? Tớ tưởng khi van chạm nước thì đó cũng đc tính là kick chứ?
    2. Ở level 1 khi cái van nhảy khỏi cầu, Cobb đã nói rằng “We missed the first kick”, đồng thời khi đó núi tuyết bị lở. Vậy là sao? Tại sao khi ấy Arthur không trở lại level 1 mà vẫn đang lơ lửng trong level 2?
    3. Tại sao Cobb không thể kiến tạo được nữa? Theo như phim nói mang máng thì đó là do anh ấy đã bị memory về Mal bao phủ khắp tâm trí khiến anh ấy không tạo được 1 maze hoàn hảo nữa (tớ cũng không nhớ :”>). Nhưng mà khi Ariadne là Architect cho Target là Fischer Jr., những hình ảnh về con lại ùa về, thậm chí Mal còn can thiệp vào công việc của Cobb? Tại sao Mal lại bắn chết Fischer trong level 3 đấy?

  4. Còn đây là câu trả lời cho các thắc mắc này của bạn đó:

    Khi cái xe chạm nước thì mọi người chưa tỉnh ở level 2 (khách sạn), nên chưa thể tỉnh do cú kick đó. Cú kick chỉ có thể khiến người ta tỉnh nếu trong giấc mơ ở tầng sát dưới nó, người ta cũng đang tỉnh, còn nếu vẫn đang mơ tiếp 1 tầng nữa, thì chưa tỉnh được. Ở đây là do Cobb, Eams, Fischer, Ariadne, Saito đang ở tầng 3, tức là đang ngủ ở tầng 2, nên kick ở tầng 1 không có tác dụng.

    Khi cái xe lao ra khỏi cầu mà Arthur không tỉnh là do sạn kịch bản, hoặc cũng có thể do tớ xem mới 1 lần chưa nhớ hết tình tiết :P. EDIT: Suy nghĩ lại thì, thật ra để người ta tỉnh phải có kick từ cả 2 phía, ở layer trên và layer dưới sát nó cùng lúc thì mới có thể tỉnh dậy được. Nghĩa là với cú kick ở layer 1 là một cú rơi, thì ở layer ngay sát layer 1 cũng phải đồng thời xảy ra một cú rơi cùng thời điểm với cú rơi đó. Thế nên khi cái ô tô lao ra khỏi thành cầu, thức là kick 1, Arthur đang bận đánh nhau nên không thể tỉnh ngay được. Nhưng vì cú kick này là cách duy nhất để Arthur tỉnh dậy, nên trong khi cái xe rơi môi trường ko trọng lực, Arthur phải tìm cách tạo ra một cú rơi ảo ngay trong thời gian cái xe rơi để tạo ra cảm giác rơi tương đương với cảm giác rơi ở layer 1 => tỉnh dậy. Đó là lý do vì sao Eams khi ở layer 3 phải shock điện cho Fischer – cú kick từ chiều trên xuống để tạo ra sấm sét ở limbo, nhắc nhở thời điểm mà 3 người ở limbo phải nhảy lầu để tạo ra cú kick từ chiều ngược lại đồng thời. Tương tự như vậy, khi tòa nhà ở layer 3 của Eams nổ tung, họ bị rơi xuống -> kick từ dưới lên, cùng lúc với cú rơi giả do Arthur tạo ra ở phía trên -> vừa là kick từ trên xuống layer 3 vừa là kick từ dưới lên layer 1, lại tiếp tục cùng thời điểm cái xe chạm nước -> cú kick từ trên xuống.

    Nói chung, hiểu đơn giản thì để tỉnh dậy, phải kick cả từ 2 chiều. Chiều từ trên xuống là để nhắc nhở, thường là bằng việc tua ngược bài hát cho đến cú kick, để ở dưới có thời gian chuẩn bị cho cú kick ngược lại -> tỉnh dậy.

    Khi đang mơ giấc mơ bình thường, nếu bị chết, chỉ có thể quay lại tầng giấc mơ sát phía trên chứ ko quay lại ngay thực tại. Điều này chứng minh ở phi vụ ăn cắp thông tin trong đầu Saito đầu phim.

    Không phải Cobb không thể kiến tạo được nữa, mà là Cobb không muốn kiến tạo nữa. PHim có nói về chuyện này rồi.

    Architect không điều khiển “người” trong thế giới mơ mà chỉ xây dựng các vật thể tạo nên thế giới ấy. Người trong thế giới mơ chỉ là ảnh chiếu của những người tham gia mơ. Thế nên hình ảnh 2 đứa con và Mal chỉ là ảnh chiếu do Cobb tạo ra chứ không phải là sáng tạo của Architect. Nhân tiện nói luôn, ko phải cứ architect là có thể tạo ra cầu thang vô tận như bạn finalboy nói. Đó chỉ là kỹ năng đặc biệt mà Arthur có chứ không phải ai cũng làm được.

    Vì giấc mơ ở đây là sự pha trộn giữa giấc mơ của nhiều người khác nhau nên nó cũng có ảnh chiếu của nhiều người khác nhau. Như Cobb đã giải thích, nếu như người mơ chính nhận ra mình đang mơ và chú ý đến điều đó, các ảnh chiếu sẽ tập trung theo dõi tất cả những người mơ không phải là chính, thậm chí sẽ tấn công người mơ không phải chính, vì không ai muốn có người khác trong giấc mơ của mình cả. Riêng ảnh chiếu của Mal không bình thường vì người tạo ra nó là Cobb cũng không bình thường. Chính Cobb đã tạo ra ảnh chiếu của Mal là một thực thể gần giống với Mal thật (đã chết) để lưu giữ kỉ niệm về 2 người, để đến khi Cobb không thể kiểm soát được ảnh chiếu Mal này được nữa và nó có thể có những phản ứng đối với những người mơ không phải Cobb (giống như nói ở trên) không thể kiểm soát, cho dù Cobb không phải người mơ chính.

    1. hihi, mình ngược lại, cứ phim nào có Bitt và Jollie là mình cao chạy xa bay.
      Còn phim nào có Leo là bon chen đi coi, đặc biệt là Leo từ năm 2000 tới nay.

  5. wow ..bác vẽ đẹp nhẫy ..nếu trùm 3D làm phim nữa thì tuyệt .. đã xem hết các gallary trên đó ^^ ..cgtalk mà comment là ghê lắm đây 😀

  6. Vừa coi phim này trưa nay, đến giờ vẫn ko thể nào thôi nghĩ về nó. Đọc comment của các bạn tôi hiểu thêm nhiều điều, riêng về cái kết, tôi có suy nghĩ như sau

    Cái kết chính là Limbo của Cobb.

    Ở lever 1, khi Cobb ngăn Eames giết Saito để ông về hiện tại, anh cho là nếu ông chết lúc này, ông sẽ xuống thẳng Limbo, khi đó Authur đã giải thích với Ariadne [ tôi ko nhớ nguyên văn câu thoại] nhưng đại khái anh bảo Limbo là thế giới của ng` từng ở đó gần nhất trước kẻ sẽ xuống dưới, tức là Limbo phản ánh thế giới của Cobb và Mal vì chính họ là những kẻ ở trong nó gần trước nhất. Vậy nên, khi Fischer rơi xuống, anh rơi vào thế giới của chính Mal và Cobb, với Mal chính là ảnh chiếu mà Cobb tạo ra ở nơi đó. Nhưng vì Fischer là đối tượng, ko biết mình đang mơ, và cũng vừa xuống, anh dc cú kick vào trở về dc nên ko tính.

    Khi đó, các bạn có nhớ Ariadne đã bảo Cobb định ở trong thế giới này sao, anh trả lời [đại khái], Saito đã chết, Limbo này ko còn là của Mal và Cobb nữa [vì Limbo phải phản ánh thế giới dc xây dựng của ng` mới nhất rớt xuống đó], và đó chính là Saito vì Saito đã là kẻ chết tiếp theo, vào Limbo. Và vì ng` mới nhất ở Limbo ko còn là Mal và Cobb mà là ông ta, nên giờ Limbo sẽ phản ánh thế giới của ông ta. Vậy nên tiếp theo cảnh để Mal đi, Fischer, Ariadne ra khỏi Limbo, Cobb tiếp tục ở lại Limbo, lúc này đã là Limbo của Saito để tìm ông và đưa về.

    Vì ko có cảnh Saito và Cobb có dùng súng hay không, và ở Level 1, Cobb cũng ko dc mọi ng` kéo khỏi xe, thế nên tôi nghĩ là cảnh cuối, chính là Limbo của Cobb. Anh chết ở trong xe, dưới nước ở Level 1 và anh trở thành ng` mới nhất vào Limbo tiếp sau Saito, thế nên Limbo của anh lúc này là hình ảnh và thế giới mà anh mong muốn nhất, đó là phi vụ thành công, anh dc về nhà, hạnh phúc bên hai con. Có thể bạn hỏi, nếu là Limbo của Cobb thì tại sao ko phải là thế giới đổ nát xây cùng Mal. Tôi nghĩ vì giây phút để Mal chết, anh đã trút bỏ dc nỗi ám ảnh đó và hướng về một limbo với hình ảnh thế giới hoàn hảo mà anh mong muốn hơn. Đó là tại sao to tem của anh cuối cùng đã ko dừng lại.

    Đó là suy nghĩ của tôi, mặc dù cũng muốn 1 cái kết có hậu nhưng chuyện ko thấy dc phát súng của Cobb và Saito cùng việc dứt phim mà ko có hình ảnh totem dừng lại nên tôi nghĩ là ko chỉ đơn giản là kết có hậu, mà là Cobb đang ở trong Limbo của chính mình.

  7. cá nhân tôi thì cái kết của phim sẽ rất có hậu, vì mal vợ của COBB sẽ tìm mọi cách kéo anh ta trở lại, tuy sẽ rất khó khăn, lần gặp sai to cuối phim , COBB cũng đã già đi nhiều

    1. Mình cũng luôn hi vọng cái kết của phim là một cái kết có hậu :), như thế đỡ khổ thân Cobb hơn. Nhưng nếu đạo diễn nói rõ cái kết đó ra thì phim đâu còn hay nữa, phải không 🙂

  8. Thanks mọi người đã chia sẻ để chúng ta có thể hiểu hơn về bộ phim cực kỳ sâu sắc và logic này. Có lẽ nếu chỉ coi 1 lần chúng ta khó có thể nắm bắt trọn vẹn ý tứ sâu xa mà tác giả kịch bản và đạo diễn muốn truyền tải. Cách giải thích về các giấc mơ, limbo rất hoàn hảo, tuy nhiên điều tôi không hiểu nhất lại là mục đích của chuyến đi này. Gieo rắc và đầu “Fisher con” 1 inception để phá hoại đế chế Fisher. Nhưng họ đã làm như thế nào? Lúc đầu “Fisher con” cho rằng cha mình thất vọng về mình, nhưng cả nhóm đã cố kéo Fisher gần với cha mình hơn, cố để anh ấy mở cái két sắt để thấy rằng cha anh rất yêu anh (thông qua hình ảnh cái chong chóng). Vậy bằng cách nào mà phá hủy đế chế này khi cố sắp xếp như vậy?
    Tại sao Fisher là đối tượng thì khi chết lại không mắc kẹt ở 1 Limbo nào đó? Anh ấy chỉ cần 1 cú kick là vẫn có thể tỉnh lại. Tôi nghĩ đã đi vào trong giấc mơ, thì những người tham gia đều phải đối mặt với các vấn đề cũng như tình huống như nhau.

  9. Cac ban nghi gi ve chuyen trong mo Cobb moi deo nhan, ngoai doii khong bao gio? Chu y xem phim se thay => Cobb da tinh thuc su

Leave a comment